Mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá được ảnh hưởng của độ ẩm thức ăn bổ sung dạng bánh đến khả năng sử dụng, năng suất mật, khả năng nuôi ấu trùng của đàn ong ngoại (Apis mellifera) cũng như sự biến đổi chất lượng của bánh thức ăn trong quá trình cho ăn để từ đó lựa chọn được độ ẩm bánh thức ăn tốt nhất. Thức ăn sử dụng thí nghiệm là thức ăn với công thức đã được nghiên cứu được đóng bánh với 5 độ ẩm khác nhau (14%, 16%, 18%, 20%, 22%). Thí nghiệm được thực hiện tại trại ong của Trung tâm Nghiên cứu Ong tại xã Tất Thắng huyện Thanh Sơn, Phú Thọ từ tháng 5/2021 - 9/2021 trên 150 đàn ong (mỗi công thức 30 đàn) và lặp lại 3 lần. Kết quả nghiên cứu cho thấy với 5 mức ẩm khác nhau trong bánh thức ăn sản xuất ra (14%, 16%, 18%, 20%, 22%) thì bánh thức ăn có độ ẩm 20% là phù hợp nhất cho việc sản xuất thức ăn, cho năng suất mật cao nhất tương ứng 20,26 kg/đàn trong thời gian thí nghiệm của vụ mật keo (sai khác nhau có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa P <
0,05). Kết quả phân tích về độ ẩm của bánh thức ăn khi cho vào đàn ong ăn với các mức ẩm khác nhau được theo dõi trong 11 ngày cho thấy dưới tác động của nhiệt độ và độ ẩm trong đàn đã làm cho độ ẩm của bánh thức ăn tăng lên vào khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 7 và giảm dần sau các ngày còn lại. Kết quả phân tích tồn dư, nấm (men, mốc) tổng số, độc tố Aflatoxin của bánh thức ăn không phát hiện thấy độc tố trong các mẫu thức ăn mà đàn ong đang sử dụng, số lượng nấm (men, mốc) tổng số tăng dần lên từ 103 cfu/g lên 105 cfu/g.