Bệnh lý hẹp tắc động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường thường nặng, lan tỏa và liên quan đến các động mạch dưới gối, bệnh thường diễn tiến nặng, chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn. Hiện nay, có nhiều phương pháp không xâm lấn để chẩn đoán, trong đó chụp cắt lớp vi tính mạch máu là phương pháp dễ thực hiện, nhanh chóng, cho độ chính xác cao ngày được ứng dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng. Mục tiêu nghiên cứu Mô tả đặc điểm hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của hẹp tắc động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu cắt ngang mô tả, hồi cứu trên 48 bệnh nhân hẹp tắc động mạch chi dưới kèm đái tháo đường điều trị tại bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh từ 1/2017 đến 06/2022. Phân tích đặc điểm hình trên chụp cắtlớp vi tính mạch máu về trí, vị trí tổn thương, mức độ hẹp, đặc điểm vôi hóa, phân loại tổn thương theo TASC II. Kết quả Trong 1008 đoạn mạch được nghiên cứu, vị trí động mạch có tổn thương chiếm tỷ lệ cao nhất là động mạch chày trước với 72 đoạn mạch (19,8%), sau đó là động mạch chày sau với 68 đoạn mạch (18,7%), động mạch đùi nông 61 (16,7%). Trên cả ba tầng, hình thái tổn thương hay gặp là tổn thương TASC B (39,2%), sau đó là tổn thương TASC A (29,8%). Số đoạn mạch có vôi hóa trên toàn bộ chi dưới chiếm tỷ lệ cao (86,3%), chủ yếu là vôi hóa lan tỏa ba tầng (85,4%). Kết luận Tổn thương hẹp tắc động mạch chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường thường gặp ở các động mạch dưới gối, lan tỏa nhiều tầng, đóng vôi chiếm tỉ lệ cao.