Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, đặc biệt có yếu tố nguy cơ dịch tễ cao đối với nghề nông do điều kiện làm việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất hoặc nước chứa vi khuẩn. Trong nghiên cứu này, hoạt tính kháng B. pseudomallei VTCC 70157 (NA23) của dịch chiết cây lựu (Punica granatum) ở các nhiệt độ chiết khác nhau và độ bền của hoạt tính này trong điều kiện dịch mô phỏng đường tiêu hóa được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch, độ pha loãng ức chế tối thiểu (MID) và diệt khuẩn tối thiểu (MBD). Bên cạnh đó, độc tính của dịch chiết cũng được đánh giá trên các dòng tế bào HEK293, HepG2 và HT29. Kết quả cho thấy, dịch chiết từ các bộ phận khác nhau của cây lựu đều có hoạt tính kháng khuẩn cao với vòng kháng khuẩn đạt 21-28 mm, giá trị MID dưới 1256 và MBD dưới 1128. Dịch chiết các bộ phận cây lựu khi được chiết ở 100oC cho hoạt tính kháng khuẩn cao hơn đáng kể so với khi chiết ở 25 và 70oC. Ngoài ra, khi xử lý với dịch mô phỏng đường tiêu hóa, hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết cây lựu không có sự khác biệt đáng kể, ngoại trừ giá trị MID của dịch chiết cành giảm 2 lần. Ngoài ra, khi thử nghiệm trên một số dòng tế bào người, các dịch chiết đều có độc tính tế bào thấp với giá trị độ pha loãng ức chế (ID50) luôn cao hơn giá trị MID tương ứng. Các kết quả thu được cho thấy, dịch chiết từ các bộ phận cây lựu thu được bằng cách sắc theo y học cổ truyền có thể sử dụng hiệu quả để điều trị bệnh melioidosis thông qua đường uống.