Các thí nghiệm về đánh giá sức ăn, thời gian phát dục và kích thước của nhện bắt mồi khi ăn 03 loài nhện hại phổ biến trên cây có múi (nhện đỏ cam chanh Panonychus citri, nhện rám vàng Phyllocoptruta oleivora và nhện dẹt xanh Tetranychus sp.) đã được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Bộ môn Côn trùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, điều kiện thí nghiệm nhiệt độ 27,5oC và ẩm độ tương đối 75%. Kết quả cho thấy, loài N. californicus có sức ăn mồi lớn đặc biệt là pha trứng của nhện hại, một nhện bắt mồi cái trưởng thành tiêu thụ từ 8,70 - 8,80 quả trứng/ ngày, nhện bắt mồi đực trưởng thành tiêu thụ 7,60 - 8,30 quả trứng/ngày. Sức ăn của các pha phát dục của nhện bắt mồi đối với 3 loài nhện hại không có sự sai khác đáng kể. Thời gian vòng đời của nhện cái (5,64 - 5,91 ngày) và thời gian phát dục trước trưởng thành nhện đực (4,04 - 4,10 ngày) của N. californicus ăn ba loài nhện hại không có sự khác biệt rõ rệt. Kích thước nhện bắt mồi cái trưởng thành ăn nhện đỏ cam chanh P. citri (0,509 ˟ 0,455 mm) lớn hơn rõ rệt so với khi ăn 2 loài nhện hại còn lại, tuy nhiên kích thước của trưởng thành đực không khác biệt giữa các loại thức ăn. Kết quả cho thấy nhện bắt mồi N.californicus hoàn toàn có thể ăn và phát triển bình thường trên cả ba loài nhện hại cây có múi.