Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ khuyết tật cao. Theo Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố kết quả Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam (2019) hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Đánh giá chất lượng cuộc sống là yếu tố nhân văn trong chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống của họ là một thách thức rất lớn đối với nhà nước và quan trọng nhất là về y tế. Đối tượng, phương pháp Thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên 320 người khuyết tật vận động trên 18 tuổi tại Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế kết hợp với hỗ trợ cung cấp thông tin thêm từ ngươi chăm sóc gần gũi nhất của người khuyết tật từ tháng 05/2021 đến tháng 06/2022. Kết quả Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 46,56 ± 20,09, nam giới chiếm 58,1%. Phần lớn không làm việc để có thu nhập (71,6%). Hơn một nửa đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn dưới Trung học cơ sở (65,6%). Chủ yếu không theo tôn giáo chiếm 55,0%. Kinh tế gia đình không thuộc hộ nghề / cận nghèo chiếm 66,6%. Chủ yếu là độc thân chiếm 54,4%. Điểm trung bình chất lượng cuộc sống chung của đối tượng nghiên cứu là 45,22 (10,75). Trong đó, điểm trung bình chất lượng cuộc sống cao nhất là ở khía cạnh môi cạnh môi trường (47,67) và thấp nhất là ở khía cạnh thể chất (43,04). Kết luận Người khuyết tật bị hạn chế các chức năng cơ thể, gặp nhiều khó khăn, cản trở trong sinh hoạt, bên cạnh đó là những mặc cảm về khiếm khuyết và hạn chế cơ hội trong cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tình hình sức khỏe nói chung.