Nhiễm khuẩn bàn chân đái tháo đường (BCĐTĐ) là mối đe dọa nghiêm trọng cho bàn chân và chi dưới, phải được đánh giá và điều trị kịp thời. Việc sử dụng kháng sinh hợp lý góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân (BN) nhiễm khuẩn BCĐTĐ.Khảo sát việc sử dụng kháng sinh điều trị và đánh giá tính phù hợp trong việc lựa chọn kháng sinh theo các khuyến cáo tại khoa Nội tiết, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 118 hồ sơ bệnh án (HSBA) của BN đái tháo đường (ĐTĐ) và được chẩn đoán nhiễm khuẩn BCĐTĐ từ 01/06/2020 đến 31/12/2021 tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tính hợp lý của kháng sinh được đánh giá theo khuyến cáo của IDSA 2012 và IWGDF 2019.Trong toàn đợt điều trị kháng sinh nhóm glycopeptid được chỉ định nhiều nhất(44,7%), trong đó vancomycin là 43,9%. Phác đồ kinh nghiệm phối hợp giữa kháng sinh nhóm glycopeptid và cephalosporin thế hệ 3 chiếm tỷ lệ nhiều nhất (12,71%)
phác đồ thay thế sau khi có kết quả kháng sinh đồ chiếm tỷ lệ cao nhất là phối hợp fluoroquinolone + sulfamid, glycopeptid + fluoroquinolon. Tính hợp lý của kháng sinh kinh nghiệm so với khuyến cáo IDSA 2012 là 84,75% và IWGDF 2019 là 86,44%. Tính hợp lý của phác đồ kháng sinh sau khi có kết quả kháng sinh đồ là (69,62%).Tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn BCĐTĐ ở mức trung bình. Do đó, cần phải nâng cao việc tuân thủ phác đồ điều trị để góp phần vào việc sử dụng thuốc hiệu quả trên BN.