Công tác xã hội bệnh viện là một trong những lĩnh vực quan trọng trong công tác xã hội. Ở Việt Nam, công tác xã hội bệnh viện thật sự được triển khai sau khi có đề án phát triển nghề công tác xã hội trong bệnh viện của Bộ y tế giai đoạn 2011 - 2020 và thông tư 43/2015/TT-BYT hướng dẫn hình thức tổ chức và thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Do còn non trẻ, vì vậy việc phát triển nghề công tác xã hội bệnh viện ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Nghiên cứu về thực trạng phát triển nghề công tác xã hội tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu chínhđịnh lượng (tổng mẫu là 120) và định tính (tổng mẫu là 15) tại các phòng/tổ công tác xã hội trên 3 tuyến bệnh viện quận/huyện, thành phố và trung ương. Kết quả nghiên cứu đã phác thảo khái quát được thực trạng triển khai và hiệu quả của các hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh các bệnh viện hiện đều có phòng/tổ công tác xã hội trên tất cả các tuyến từ quận/huyện tới tuyến thành phố và tuyến trung ương. Các hoạt động công tác xã hội trong hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức. Nhận thức về vai trò của công tác xã hội của Ban quản lý/Ban giám đốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà ngườibệnh ngày càng tăng cao... Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn những khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động công tác xã hội đúng chuyên môn, phương pháp, còn thiếu hụt nhân sự nhân viên xã hội đúng chuyên ngành, các dịch vụ công tác xã hội dành cho nhân viên y tế hầu như chưa được triển khai và thực hiện... Trên cơ sở này, chúng tôi cũng đưa ra các đề xuất về giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển một cách chuyên nghiệp nghề công tác xã hội trong bệnh viện.