Cùng với sự phồn vinh của đất nước, người dân Việt Nam được thụ hưởng nền pháp lý đang ngày càng hoàn chỉnh.Tuy nhiên, lĩnh vực pháp luật về quản lý tài sản cá nhân hiện vẫn cần được hoàn thiện hơn. Thực tế cho thấy tồn tại nhiều tranh chấp và các vụ kiện về liên quan đến quản lý tài sản thừa kế. Đồng thời, do các nguyên nhân cá nhân khác nhau ( ví dụ như không có thời gian quản lý, do thiếu năng lực quản lý, do thiếu kiến thức kinh doanh đầu tư...), người dân có nhu cầu được pháp luật công nhận việc tách bạch quyền thụ hưởng đối với tài sản và quyền quản lý trên cùng một tài sản theo nguyện vọng cá nhân . Nhu cầu có được công cụ quản lý tài sản một cách hiệu quả là chính đáng và ngày càng cấp thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu này mặc dù kinh nghiệm thế giới cho thấy tín thác có thể là một giải pháp hữu ích cho các vần đề tồn tại. Bài nghiên cứu tập trung tìm hiểu khả năng áp dụng công cụ tín thác vào Việt Nam thông qua phân tích những nhu cầu thực tế trong xã hội Việt Nam, một số đặc trưng cơ bản của tín thác cũng như đề cập đến vấn đề rào cản. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bộ luật dân sự 2015 với những đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành khung pháp lý về tín thác tại Việt Nam, giúp mang lại những lợi ích to lớn cho người dân.