Ngay từ những ngày đầu của vương triều Nguyễn, giới Nho sĩ Nam bộ theo Nguyễn Ánh từ thời trung hưng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Phạm Đăng Hưng,... đã đóng vai trò trụ cột trong triều đình mới ở Huế. Tuy nhiên, khi chế độ khoa cử triều Nguyễn ngày càng hoàn thiện, giới Nho sĩ ở Nam bộ lại chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các Nho sĩ ở miền Bắc và miền Trung - nơi có nền giáo dục Nho học được tổ chức bài bản và lâu đời. Số lượng sĩ tử từ Nam bộ vượt qua kỳ thi Hội chiếm một tỷ lệ khá thấp càng khiến cho vị thế chính trị của giới quan lại xuất thân từ vùng này suy giảm so với khi mới thành lập vương triều. Vì thế, việc đặt chế độ giáo quan của triều Nguyễn như một cánh cửa rộng mở cho giới Nho sĩ Nam bộ tham gia vào nền chính trị triều Nguyễn. Các sĩ tử chỉ đỗ kỳ thi Hương có thể được bổ nhiệm vào các vị trí giáo quan ở các địa phương và sau đó được luân chuyển sang một vị trí khác tương tự như những người đã đỗ kỳ thi Hội. Nhờ vào chế độ này, một số nhân vật từ Nam bộ đã có cơ hội tham gia tích cực vào nền chính trị của nhà Nguyễn như Trương Gia Hội, Nguyễn Thông, Nguyễn Hữu Huân, Lê Hưng Liêm,... Bài viết này nhằm phân tích sự tác động của chế độ giáo quan thời Nguyễn với con đường tiến thân của giới Nho sĩ Nam bộ.