Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thơm đặc sản trên nền tảng qui trình VietGAP. Nghiên cứu được tiếp cận theo "nghiên cứu hành động" từ chọn giống thích nghi đến nối kết tiêu thụ, tại ba Hợp tác xã nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát bằng bảng câu hỏi cấu trúc với 64 hộ thành viên trong mô hình thí điểm và 95 nông hộ bên ngoài trên cùng địa bàn sản xuất. Kết quả cho thấy mô hình thí điểm trên nền tảng VietGAP có hiệu quả tài chính cao hơn sản xuất lúa thông thường tùy vào các mức độ liên kết
trong đó, mô hình chuỗi mở có lợi nhuận cao nhất (24,9 triệu đồng/ha), kế đến là mô hình chuỗi liên kết (24,1 triệu đ/ha) và cuối cùng là mô hình chuỗi kín (17,3 triệu đồng/ha). Giá lúa tăng thêm ở các mô hình sản xuất theo hợp đồng chưa đủ lớn (+100 đồng/kg) nên các hợp tác xã có xu hướng lựa chọn mô hình ít ràng buộc hơn để thích ứng với bối cảnh sản xuất và thị trường hiện nay. Cách tiếp cận nghiên cứu hành động thúc đẩy nâng cao được năng lực của Ban quản lý và thành viên hợp tác xã, giúp họ có thể sản xuất lúa qui chuẩn, làm nền tảng phát triển các mô hình liên kết, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường lúa gạo chất lượng cao.