Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt bằng giá thể xơ dừa. Mẫu nước thải được lấy tại miệng cống xả trên sông Tô Lịch. Mẫu nước thải có hàm lượng hữu cơ cao (giá trị COD là 192 mg/L) và chỉ tiêu amoni (hàm lượng NH4+-N là 29,6 mg/L) vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép (QCVN14 2008/BTNMT, cột B). Sau các thời gian lưu khác nhau (6, 12, 18, 24 và 30 ngày) trong hệ lọc sinh học sử dụng giá thể xơ dừa, nồng độ chất hữu cơ (COD), nồng độ NH4+-N và PO43--P trong nước thải đều giảm đáng kể so với mẫu đối chứng. Sau 18 ngày xử lý bởi hệ sử dụng giá thể xơ dừa, hiệu quả loại bỏ chất hữu cơ (COD) đạt 75% (tương ứng giá trị COD là 48 mg/L)
sau 30 ngày xử lý, hiệu quả xử lý NH4+-N đạt 86,08% (tương ứng với hàm lượng NH4+-N trong mẫu nước thải sau xử lý là 4,12 mg/L, đạt quy chuẩn cho phép). Nghiên cứu chứng minh hiệu quả của việc lựa chọn sử dụng vật liệu xơ dừa trong xử lý nước thải.