Bê tông tái chế là một loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường và góp phần hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bê tông đầm lăn (BTĐL) sử dụng cốt liệu tái chế đã được ứng dụng thành công trong kết cấu áo đường tại một số quốc gia trên thế giới.Nghiên cứu này trình bày một số đặc tính cơ học của BTĐL sử dụng cốt liệu lớn tái chế từ bê tông phế thải (CLLTC), ứng dụng làm lớp móng đường ô tô. CLLTC được thay thế cho cốt liệu lớn tự nhiên với các hàm lượng là 0%, 30%, 50%, 75% và 100%. Thành phần vật liệu của BTĐL được thiết kế theo nguyên lý cơ học đất (độ ẩm tối ưu và khối lượng thể tích khô lớn nhất). Khi sử dụng CLLTC với hàm lượng 75% và 100%, cường độ chịu nén ở 28 ngày tuổi giảm khoảng 25-35% trong khi cường độ ép chẻ và mô đun đàn hồi giảm khoảng 20-25%.Khi thay thế 100% cốt liệu lớn tự nhiên bằng CLLTC thì BTĐL vẫn đạt được các chỉ tiêu cơ học để làm lớp móng mặt đường bê tông xi măng. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng công trình giao thông tại Việt Nam.