Nghiên cứu này sử dụng số liệu phỏng vấn trực tiếp với 45 nhà vườn trồng Ba Kích tại ba xã có diện tích lớn nhất trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh để đánh giá hiệu quả kinh tế của từng nhà vườn và theo từng nhóm quy mô (lớn, vừa và nhỏ) cũng như nghiên cứu tác động của quy mô và các yếu tố liên quan đến hiệu quả kinh tế. Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích được áp dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế. Phương pháp hồi quy Tobit được dùng để đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh tế của các vườn trồng Ba Kích. Kết quả từ các mô hình phi tham số cho thấy, nhóm vườn quy mô vừa có các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả trên mỗi đồng vốn, mỗi ha và trên mỗi đồng chi phí lao động cao nhất, kế đến là nhóm vườn có quy mô lớn và đứng cuối cùng là nhóm vườn có quy mô nhỏ. Kết quả từ các mô hình tham số cho thấy tác động của qui mô vườn đến hiệu quả kinh tế trong cả 8 mô hình là tiêu cực (âm) và đều có mức ý nghĩa 99%. Bên cạnh đó, tác động của tổng chi phí đến hiệu quả kinh tế là tích cực (dương), nhưng chỉ có ý nghĩa thống kê (ở mức 99%) cho các mô hình 1, 2, 3 và 4. Ngoài ra, chuyên môn của chủ vườn có ảnh hưởng tích cực (dương) đến hiệu quả kinh tế vườn, nhưng chỉ có ý nghĩa ở mức 90%.