Cây dược liệu là một loại lâm sản ngoài gỗ quan trọng được nhiều tỉnh miền núi phía Bắc ưu tiên phát triển trong đó có tỉnh Lào Cai. Trồng dược liệu cũng đóng góp đáng kể vào thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, tín dụng là rất lớn. Chất lượng dược liệu cũng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cung cấp các dịch vụ đầu vào như giống, vốn tín dụng, phân bón và kỹ thuật. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho ngành dược liệu tỉnh Lào Cai. Nghiên cứu được thực hiện qua phỏng vấn, thảo luận nhóm, tham vấn chuyên gia, quan sát thực tế tại 02 huyện Bát Xát và Bắc Hà tỉnh Lào Cai năm 2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy nông dân trồng dược liệu Lào Cai có nhu cầu vay vốn đầu tư trồng dược liệu nhưng chưa mạnh dạn vay vốn phát triển mở rộng diện tích trồng dược liệu. Các hợp tác xã, doanh nghiệp hiện có nhu cầu vay vốn xoay vòng trong ngắn hạn, chưa có kế hoạch vay vốn đầu tư dài hạn. Nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật như tập huấn về trồng, chăm sóc dược liệu cũng tăng. Nhu cầu về vật tư đầu vào trong phát triển dược liệu cũng tăng theo xu hướng chung của vùng. Tuy nhiên, năng lực cung cấp giống của các đơn vị trong tỉnh còn rất hạn chế. Do đó cần thí điểm và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ theo phương pháp tiếp cận hệ thống thị trường đó là đơn vị cung cấp vật tư sẽ tham gia đồng đầu tư cùng với nông dân, các HTX sản xuất và chế biến để đảm bảo sự bền vững, hiệu quả, huy động được nguồn lực của khối tư nhân vào phát triển dược liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng sản xuất, sản phẩm dược liệu.