Bài báo này tổng quan lại một số kết quả nghiên cứu về việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) trên khu vực Đông Nam Á và Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua. Trên khu vực Đông Nam Á, phương pháp chi tiết hoá động lực sử dụng mô hình khí hậu khu vực được áp dụng chủ yếu, đặc biệt là các kết quả từ Thí nghiệm Phối hợp Chi tiết hoá - Đông Nam Á (CORDEX-SEA). Tại Việt Nam, các kịch bản BĐKH đã được công bố và cập nhật vào các năm 2009, 2012, 2016, và gần đây nhất là 2020 bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặc dù các kịch bản gần đây thiên hơn về cách tiếp cận động lực, tuy nhiên một số nghiên cứu cũng đã áp dụng cách tiếp cận thống kê và thực hiện việc chi tiết hoá cho một tập hợp đa mô hình và đa kịch bản khí nhà kính (KNK) tại Việt Nam. Cho tới nay, các thí nghiệm trên khu vực và cho Việt Nam mới chỉ tập trung vào việc chi tiết hoá các kết quả từ các mô hình khí hậu toàn cầu tham gia Dự án Đối sánh Đa mô hình Pha 3 (CMIP3) và Pha 5 (CMIP5). Các kết quả công bố cho thấy sự thống nhất về mức tăng của nhiệt độ dự tính trong tương lai, tuy nhiên kết quả dự tính mưa lại mang nhiều tính bất định. Bài báo này cũng đề xuất một số hướng nghiên cứu cần được triển khai trong những năm tới, bao gồm i) Xây dựng bộ số liệu khí hậu trên lưới có phân giải cao
ii) Chi tiết hoá các sản phẩm CMIP6 với các kịch bản KNK mới nhất bằng phương pháp động lực, thống kê, và dự tính xác suất, trong đó có chú trọng đến vai trò của đô thị hoá trong bối cảnh BĐKH toàn cầu
và iii) Phát triển hệ thống mô hình kết hợp biển - khí và ứng dụng hệ thống này trong việc làm rõ cơ chế của sự BĐKH trong tương lai trên khu vực và tại Việt Nam.