Để tận dụng tối ưu nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp và trong chế biến thực phẩm, các mẫu cao chiết từ vỏ của 3 giống chôm chôm (Nephelium lappacium L.) được khảo sát sơ bộ về thành phần hóa học, phát hiện có chứa các nhóm chất như polyphenol, flavonoid, triterpenoid, carotenoid, proanthocyanidin saponin, tannin, hợp chất polyuronic, acid hữu cơ và chất khử. Hàm lượng polyphenol, flavonoid và khả năng bắt gốc tự do DPPH cũng được xác định, nổi bật nhất là cao chiết từ vỏ chôm chôm nhãn với kết quả tương ứng là 199,65 mg GAE/g
457,44 mg QE/g (dược liệu khô) và IC50, DPPH = 33,28 µg/mL. Bên cạnh đó, các mẫu cao chiết trong nghiên cứu này cũng thể hiện khả năng cao trong việc ức chế hoạt động của enzyme α-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu cũng như khả năng gây độc tế bào ung thư vú (MCF-7), các kết quả tương ứng là IC50, α-glucosidase từ 1,61 đến 5,96 µg/mL và phần trăm khả năng gây độc tế bào ung thư vú ở nồng độ 150 μg/mL từ 81,73% đến 82,06%.