Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng môi trường, tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) khi ương cá chép (Cyprinus carpio) bằng công nghệ biofloc với nguồn carbon từ rỉ đường và bột ngô. Cá kích cỡ 33,5 ± 1,15 g/con được ương trong 9 bể (267 l/bể), mật độ 150 con/m3 (40 con/bể) với 3 nghiệm thức NT1 (BFT-RĐ) và NT2 (BFT-BN) được nuôi theo công nghệ biofloc với nguồn carbon tương ứng từ rỉ đường và bột ngô với tỉ lệ CN là 201, trong khi nghiệm thức đối chứng (ĐC) được nuôi thông thường và thay nước 50%/ngày. Cá được cho ăn theo nhu cầu bằng thức ăn công nghiệp hàm lượng protein 35%. Kết quả cho thấy sau 60 ngày nuôi chất lượng môi trường ở NT1 tốt hơn so với NT2 và ĐC. Ở NT1 nuôi cá chép có tỉ lệ sống (98,33 ± 1,44%) và tốc độ tăng trưởng bình quân ngày (0,69 ± 0,05 g/con/ngày) là cao nhất, có hệ số chuyển hóa thức ăn FCR thấp nhất (1,53 ± 0,02) và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P <
0,05) khi so với cá ở NT2 (1,58 ± 0,02) và ĐC (1,73 ± 0,03).