Hội chứng thận hư tiên phát (HCTHTP) là bệnh lý cầu thận mạn tính hay gặp nhất ở trẻ em với tỉ lệ mắc mới hàng năm là 2 - 7/100000 trẻ trên tổng tỉ lệ mắc bệnh là 16/100000 trẻ. Tại Việt Nam (1981-1990) có 1414 trẻ mắc bệnh nhập Bệnh viện Nhi Trung ương, chiếm 46,6% tổng số bệnh nhân của Khoa Thận - Tiết niệu. Theo y văn, những trẻ mắc bệnh thận mạn tính có sự thay đổi thành phần nước bọt khi sử dụng kéo dài các loại thuốc trong điều trị bệnh tác động đến nguy cơ mắc bệnh răng miệng của trẻ. Chức năng của nước bọt, bao gồm bôi trơn, đệm, bảo vệ cho mô răng, chức năng kháng khuẩn, chức năng trong việc nếm và tiêu hóa thức ăn, có thể bị chi phối bởi thay đổi dòng chảy và thành phần sinh hóa của nước bọt. Những trẻ mắc HCTHTP khởi phát là những trẻ ở giai đoạn đầu tiên của bệnh thì sự thay đổi trong nước bọt thế nào, vào thời điểm hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy nghiên cứu nào so sánh những đặc tính của nước bọt tại hai giai đoạn diễn tiến bệnh. Nghiên cứu này nhằm mục đích mô tả sự thay đổi chỉ số nước bọt của trẻ HCTHTP khởi phát vào thời điểm lần đầu chẩn đoán bệnh và sau 6 tháng theo dõi bệnh. Phương pháp nghiên cứu dọc tiến cứu được thực hiện ở 94 trẻ). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng lưu lượng nước bọt có kích thích sau giúp cải thiện khả năng đệm nước bọt giúp giảm nguy cơ sâu răng của trẻ. Hàm lượng canxi và clo tăng, tuy nhiên hàm lượng phốtpho trong nước bọt lại giảm nhẹ. Nhận thấy nhóm trẻ có tái phát bệnh có lưu lượng nước bọt thấp, độ đệm nước bọt trung bình, nguy cơ mắc sâu răng, cao răng cao hơn so với nhóm trẻ không tái phát bệnh.