Để đánh giá tác động môi trường của rừng trồng keo thuần loài trước khai thác tới tài nguyên đất và nước, rừng keo 7 tuổi diện tích 2,5 ha tại xã Cao Răm, tỉnh Hòa Bình được chọn để nghiên cứu. 03 ô tiêu chuẩn diện tích 500 m2 được lập tại chân - sườn - đỉnh để đánh giá cấu trúc tầng cây cao (mật độ, đường kính ở chiều cao ngang ngực - DBH, chiều cao vút ngọn - Hvn), 30 ô dạng bản 1 m2 để đánh giá các nhân tố thực vật (tàn che - TC, thảm tươi - TT, thảm khô - TK) và đất (dung trọng, tỉ trọng, độ xốp, độ ẩm), 15/30 ô được chọn để đo tốc độ thấm và 4 điểm tại khe nước chảy qua rừng được lấy mẫu phân tích chất lượng. Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy (1) Rừng keo có cấu trúc khá đồng đều giữa các độ cao với mật độ 1450 cây/ha, DBH 14,7 cm và Hvn là 10,5 m. Các yếu tố tàn che, thảm tươi và thảm mục đều cao và đồng đều giữa các điểm. (2) Đất rừng giàu hữu cơ với hàm lượng mùn cao. Xói mòn bệ đỡ là 1,4 mm, với cường độ dự báo là 3,98 mm/năm tương đương 53,1 tấn/ha/năm, đất xói mòn rất mạnh. Tốc độ thấm ban đầu là 15,54 mm/phút và đạt ổn định ở mức 2,4 mm/phút từ phút thứ 90 - 100. Lượng thấm tích lũy cao nhất ở sườn núi và điểm phía Bắc tại chân núi. (3) Nồng độ của hầu hết các chỉ tiêu chất lượng nước đều thấp, tuy nhiên tổng lượng chất rắn lơ lửng (TSS) tại điểm 2 cao gấp 3 lần quy chuẩn nước B1 (tưới tiêu) theo QCVN082015/BTNMT. Các yếu tố thực vật (TC, TT, TK) tỉ lệ nghịch với xói mòn và tỉ lệ thuận với thấm là cơ sở để đề xuất các giải pháp giảm xói mòn và tăng khả năng thấm của rừng.