Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các cộng đồng dân cư từng bước tích lũy được kinh nghiệm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống. Ăn là nhu cầu thiết yếu của con người, trước hết là ăn để tồn tại, rồi từng bước phát triển ăn thành một nghệ thuật trong cuộc sống. Kinh nghiệm trong việc khai thác và chế biết cây cỏ ăn được cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Trong nghiên cứu này, bằng các phương pháp nghiên cứu thực vật học kết hợp với thực vật dân tộc học, các tác giả ghi nhận cộng đồng dân tộc Thái tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã sử dụng 114 loài thực vật với nhiều bộ phận khác nhau để ăn hoặc chế biến món ăn. Trong số 114 loài được ghi nhận, có 81 loài là cây hoang dại (chiếm 71,05%), 43 loài là cây trồng (37,72%), trong số đó có 10 loài (8,77%) vừa mọc hoang dại vừa được trồng. Nhóm cây làm rau ăn đa dạng nhất với 52 loài (45,61%), tiếp đến là nhóm cây ăn quả với 39 loài (34,21%), cây gia vị có 21 loài (18,42%)... Các bộ phận sử dụng cũng rất phong phú, nhiều nhất là quả với 57 loài (50%), các bộ phận lá, ngọn non, củ... có số loài ít hơn. Có nhiều loài cây đặc sản, chế biến đơn độc hoặc kết hợp với nhau tạo nên những món ăn có hương vị độc đáo, đặc trưng của người Thái ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.