Tại huyện Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, quá trình biến đổi khi hậu đang có xu hướng làm tăng nhiệt độ trung bình, giảm lượng mưa trong mùa khô và tăng lượng mưa trong mùa mưa dẫn đến các hiện tượng cực đoan như khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, gây lũ lụt...tác động đến đời sống cây trồng trong đó có cây sầu riêng và cây bưởi, vốn đang là cây ăn quả có tiềm năng của địa phương. Thông qua việc phân tích những điểm mạnh và rủi ro có thể xảy ra trong bối cảnh thời tiết có nhiều thay đổi của hai đối tượng này để xây dựng chế độ canh tác phù hợp, nghiên cứu đã bước đầu khẳng định Điều kiện sinh thái huyện Khánh Sơn hiện tại và dự báo đến năm 2030 cơ bản phù hợp với yêu cầu cây bưởi và cây sầu riêng xét trên các yếu tố cơ bản là đặc điểm các đơn vị đất đang canh tác, nhiệt độ trung bình năm, tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa giai đoạn từ tháng 5 đến 12 liên quan đến xử lý trái vụ cây bưởi. Canh tác theo phương thức thâm canh, cơ giới hóa công đoạn quan trọng (sản ủi mặt bằng, đào hố trồng và tưới nước), giống sử dụng có tiềm năng năng suất và chất lượng cao, mật độ trồng hợp lý. Sản phẩm quả có thị trường tiêu thụ, phù hợp tập quán canh tác và khả năng đầu tư của nông hộ khu vực nông thôn với thu nhập cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh. Để phát triển bền vững cây bưởi và sầu riêng tại Khánh Sơn, cần phải lưu ý đến chế độ dinh dưỡng trong đất, chuẩn bị nguồn nước tưới trong giai đoạn tới (sau năm 2030), khi khả năng hạn hán được dự báo là có thể xảy ra, đặc biệt là thời kỳ từ tháng 12 đến tháng 5 năm tiếp theo và nâng cao trình độ người trồng cho đồng bào dân tộc nếu họ tham gia.