Nghiên cứu tập trung đánh giá hiệu quả của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản bauxite Tây Nguyên qua nghiên cứu mẫu tại tổ hợp bauxite-alumina Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) bằng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng. Các chi phí ngoại ứng đã được nội hoá để đưa vào tính toán, bao gồm chi phí cơ hội, chi phí môi trường, chi phí trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và chi phí dự phòng cho sự cố môi trường. Kết quả phân tích chi phí - lợi ích mở rộng cho thấy, nếu tính toán đầy đủ các khoản chi phí môi trường thì tổ hợp Tân Rai không đem lại hiệu quả cho xã hội với giá trị NPV âm (-5.167.422 triệu đồng), IRR (6,27%) thấp hơn tỷ lệ chiết khấu (10%)
Tổ hợp Nhân Cơ hoạt động hiệu quả với NPV dương (145.862 triệu đồng), IRR (10,1%) cao hơn tỷ lệ chiết khấu (10%), tuy nhiên hoạt động của tổ hợp này chứa nhiều rủi ro khi phân tích độ nhạy của các chỉ số tính toán. Trung bình 1 tấn sản phẩm alumina sản xuất ra cần từ 0,7 đến 0,9 triệu đồng chi phí môi trường. Hai tổ hợp bauxite-alumina ở Tây Nguyên một năm tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp khoảng 1.200-1.400 tỷ đồng các khoản thuế, phí cho Nhà nước, tương đương từ 1,0 đến 1,2 triệu đồng/1 tấn sản phẩm. Từ bài học kinh nghiệm của tổ hợp Tân Rai và Nhân Cơ, các dự án khai thác, chế biến bauxite sau này cần được triển khai đúng tiến độ và vận hành 100% công suất thiết kế ngay từ năm đầu tiên để đạt mức hiệu quả tối ưu. Trong tương lai, cần xây dựng và đánh giá hiệu quả các phương án khai thác, chế biến theo chuỗi khép kín, tận thu, chế biến sâu để cải thiện hiệu quả hoạt động của các dự án bauxite, hướng tới giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bằng cải tiến quy trình công nghệ, thực hiện hoàn thổ phục hồi môi trường, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.