Phủ mặt gỗ bằng vật liệu có cấu trúc micro hoặc nano mét là công nghệ hiệu quả có thể nâng cao tính kỵ nước cho gỗ. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện xử lý giảm năng lượng bề mặt bằng axít stearic đến tính chất kỵ nước của gỗ sau khi phủ. Trong nghiên cứu này, gỗ Bồ đề (Styrax tonkinensis) đã được phủ màng ZnO bằng công nghệ nano, sau đó xử lý bằng axít stearic để tạo ra gỗ siêu kỵ nước. Đặc tính bề mặt của màng đã được phân tích bằng phương pháp hiển vi điện tử quét (FE-SEM), phổ tán sắc năng lượng tia X (EDX), nhiễu xạ tia X (XRD) và đo góc tiếp xúc với nước. Kết quả cho thấy, màng phủ trên gỗ được cấu thành từ các tấm ZnO tinh thể dạng Wurtzite kích thước micro hoặc nano mét. Góc tiếp xúc với nước của bề mặt gỗ đã phủ lớn hơn rõ rệt so với gỗ không phủ. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy, với điều kiện xử lý axít stearic khác nhau thì góc tiếp xúc với nước cũng khác nhau, trong đó có một số chế độ thí nghiệm đã tạo ra lớp phủ siêu kỵ nước với góc tiếp xúc lớn hơn 150o. Lớp phủ ZnO của nghiên cứu đã làm cho gỗ Bồ đề từ loại vật liệu ưa nước trở thành vật liệu siêu kỵ nước và có tính năng tự làm sạch.