Để hỗ trợ công tác thực thi pháp luật liên quan đến các loài động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam, phương pháp phân tích DNA đã được ứng dụng phổ biến trong việc giám định tên loài từ những sản phẩm động vật bị buôn bán trái phép. Tê tê là một trong những nhóm động vật bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất cả trên thế giới và ở Việt Nam vì chúng bị buôn bán với số lượng rất lớn và được coi là nhóm thú bị buôn bán nhiều nhất trên toàn cầu. Mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp phòng chống buôn bán trái pháp luật nhóm động vật này, nhưng trong những năm gần đây tình trạng buôn bán tê tê và các sản phẩm của chúng ở Việt Nam vẫn xảy ra với số vụ việc và khối lượng tang vật lớn. Việc xác định tên các loài tê tê thường gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm buôn bán không còn đầy đủ các đặc điểm hình thái để nhận dạng chính xác, đặc biệt là các dạng sản phẩm như thịt, lông và vảy. Trong nghiên cứu này, chúng tôi trình bày quy trình tách chiết DNA và nhân bản đoạn gen ty thể COI đảm bảo hiệu quả cao từ các sản phẩm buôn bán, có thể ứng dụng trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Quy trình này đã được sử dụng thành công trong việc tách chiết 10 mẫu lông và vảy tê tê tịch thu trong các vụ buôn bán. Kết quả nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy 3 mẫu tê tê bị buôn bán trái phép có nguồn gốc từ châu Phi và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phương pháp sinh học phân tử trong công tác phòng chống buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam.