Sống trong môi trường ngập nước ngọt thường xuyên, các loài thực vật đã hình thành nên những đặc điểm thích nghi với môi trường sống của chúng. Việc hiểu rõ các đặc điểm thích nghi của thực vật với môi trường ngập nước là rất cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái, cấu tạo giải phẫu của Trai lá dài và Rau mác thon là 2 loài thường gặp ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An, qua đó cho thấy chúng có đặc điểm hình thái và cấu tạo thích nghi với môi trường ngập nước ngọt thường xuyên. Chúng tôi khảo sát một số yếu tố môi trường nước như pH, độ dẫn điện của nước, dùng thước cây đo độ ngập nước và lấy mẫu đất ở tầng 0-30cm để phân tích một số đặc điểm lí hóa. Thu mẫu và chụp hình cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản của hai loài
dùng dao lam cắt mỏng các mẫu thực vật và nhuộm kép theo phương pháp của Trần Công Khánh để quan sát cấu tạo giải phẫu. Kết quả nghiên cứu cho thấy nước nơi Trai lá dài sống gần trung tính (pH = 6,9), trong khi loài Rau mác thon có nước chua (pH = 3,88). Đất nơi Rau mác thon và Trai lá dài mọc đều rất chua (pHKCl = 2,84 và pHKCl = 3,58). Hai loài có nhiều đặc điểm chung như hệ rễ chùm phát triển, sinh sản sinh dưỡng bằng thân rễ
biểu bì rễ không có lông hút
trong rễ, thân và lá có nhiều khoang khí giúp dự trữ khí, khí khổng chủ yếu tập trung ở mặt dưới lá.