Diễn tiến đề ngữ được định nghĩa là cách mà đề ngữ của một mệnh đề nhắc lại hoặc phát triển nghĩa của đề ngữ hoặc phần thuyết của mệnh đề đi trước (Paltrigde, 2006, p. 148). Dựa trên quan điểm chức năng hệ thống, McCabe (1999) đã phân chia diễn tiến đề ngữ thành năm loại, gồm có mô hình diễn tiến tuyến tính (Simple Linear), diễn tiến cố định (Constant), diễn tiến phân đề ngữ (Split Theme), diễn tiến phân thuyết (Split Rheme), diễn tiến siêu đề phái sinh (Derived Hypertheme). Nghiên cứu này tìm hiểu sự hiện thực hoá của các hình thức diễn tiến đề ngữ khác nhau và ảnh hưởng của chúng đến chất lượng của các bài viết IELTS Task 2. Được lấy từ một trang mạng trực tuyến, ngữ liệu bao gồm 24 bài luận đã được phân tích bằng cả phương pháp định lượng và định tính. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mô hình diễn tiến tuyến tính được sử dụng nhiều nhất, theo sau đó là mô hình diễn tiến cố định, diễn tiến phân thuyết, diễn tiến phân đề ngữ và diễn tiến siêu đề phái sinh. Quá trình phân tích ngữ liệu cũng cho thấy rằng mặc dù mỗi mô hình mang lại những hiệu quả khác nhau, việc sử dụng các mô hình diễn tiến đề ngữ nói chung đã góp phần tạo nên sự mạch lạc và tính liên kết cho bài viết. Mô hình diễn tiến tuyến tính với sự liên kết mang tính chất quy chiếu đã tạo nên một văn bản được phát triển liên tục và có tính liên kết chặt chẽ trong khi mô hình diễn tiến cố định thì giữ được trọng tâm về chủ đề giữa các câu. Trong khi đó, nghiên cứu thấy được rằng mô hình diễn tiến phân thuyết và diễn tiến phân đề ngữ mang lại tính có tổ chức cho sự phát triển của văn bản, còn mô hình diễn tiến siêu đề phái sinh tạo được sự liên kết qua mối quan hệ giữa từ cấp trên (thượng danh) và từ cấp dưới (hạ danh). Một số vấn đề như sự thiếu diễn tiến đề ngữ, sự đặt sai vị trí chủ đề và sự lạm dụng của "There" và "It" ở vị trí chủ đề cũng đã được tìm thấy trong ngữ liệu nghiên cứu.