Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây tác động ngày càng nghiêm trọng đến lượng nước canh tác cây trồng, đặc biệt hiện tượng xâm nhiễm mặn cho vùng canh tác cây lúa. Lúa là đối tượng cây trồng rất mẫn cảm với mặn, do đó việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa có mang kiểu gene chịu được mặn là cấp thiết. Vì vậy, đề tài đánh giá kiểu gene chịu mặn bằng dấu chỉ thị phân tử SSR trên 40 giống lúa cải tiến được tiến hành tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đai học Cần Thơ. Nghiên cứu đã chọn 12 dấu phân tử SSR liên kết với Quantitative Trait Loci (QTL) mang tính trạng chịu mặn nằm trên 12 nhiễm sắc thể (NST) so sánh kiểu gen giữa giống chuẩn chống chịu mặn (Pokkali) và giống chuẩn mẫn cảm mặn (IR28) với 40 giống/dòng lúa cải tiến của Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy có 2 giống/dòng (MTL 259 và MTL 308) được xếp vào nhóm với giống chuẩn chống chịu mặn Pokkali. Như vậy 2 giống/dòng này có thể có mang các QTL chịu mặn nhưng giống như Pokkali. Kết quả này là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp về các giống/dòng lúa cải tiến có khả năng chịu mặn trong tương lai.