MRI động học sàn chậu (DPMRI) và đo áp lực hậu môn trực tràng độ phân giải cao (HR-ARM) là các phương tiện chẩn đoán táo bón chức năng mạn tính đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân nữ sa trực tràng kiểu túi. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định mối tương quan giữa các thông số từ đo HR-ARM và các kết quả DP-MRI.Đây là một nghiên cứu hồi cứu trên bệnh nhân nữ táo bón được thực hiện đồng thời HR-ARM và DP-MRI.Dữ liệu của 55 bệnh nhân táo bón mạn tính do sa trực tràng kiểu túi được thực hiện đồng thời HR-ARM và DP-MRI được đưa vào phân tích. Tất cả bệnh nhân đều là nữ tuổi từ 27- 77 tuổi, tuổi trung vị 49. Có 50/55 bệnh nhân sinh con qua ngã âm đạo ít nhất 1 lần. Nghiên cứu phát hiện tương quan có ý nghĩa thống kê giữa áp lực trực tràng khi rặn và kích thước túi sa trực tràng (r = - 0,14, p=0,04). Kết quả phân tích thống kê cũng cho thấy có mối tương quan giữa mức độ sa của sàn chậu sau với áp lực hậu môn khi nhíu (r = - 0,30, p=0,026) và áp lực hậu môn khi rặn (r = - 0,39, p= 0,004).Nghiên cứu phát hiện tương quan có ý nghĩa thống kê giữa áp lực trực tràng khi rặn và kích thước túi sa trực tràng, cũng như có sự tương quan giữa mức độ đi xuống của sàn chậu khi rặn với áp lực hậu môn khi nhíu và khi rặn.