Phần lớn người bệnh sa sút trí tuệ hiện nay được chăm sóc bởi người thân trong gia đình. Tuy nhiên hầu hết người chăm sóc không được chuẩn bị đầy đủ, cũng như thiếu sự hỗ trợ, kiến thức để đảm nhận vai trò này. Do đó, việc chăm sóc mang lại gánh nặng lớn cho người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ.Đánh giá mức độ hỗ trợ xã hội đa chiều và kiến thức về sa sút trí tuệ của người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ cao tuổi điều trị nội trú tại Khoa Lão học, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.Nghiên cứu cắt ngang mô tả, dân số chọn mẫu là "người chăm sóc gia đình" của người bệnh sa sút trí tuệ điều trị nội trú tại Khoa Lão học, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Người chăm sóc từ 18 tuổi trở lên, là người chăm sóc chính, có thời gian chăm sóc ít nhất 6 tháng. Mức độ hỗ trợ xã hội được đánh giá bằng thang điểm "Nhận thức hỗ trợ xã hội đa chiều" (The Multidimensional Scale of PerceivedSocial Support - MSPSS). Kiến thức về sa sút trí tuệ được đánh giá bằng bảng câu hỏi của tác giả McParland tại Bắc Ai-len.Nghiên cứu thu thập được 111 người chăm sóc với tuổi trung bình là 54 ± 12 tuổi, nữ chiếm 59%. Người chăm sóc nhận được hỗ trợ xã hội đa chiều ở mức trung bình, với điểm trung bình thang MSPSS là 41,29 ± 12,01. Tỉ lệ người chăm sóc có mức kiến thức cao về sa sút trí tuệ là 9,91%, trung bình là 41,44%, thấp là 48,65%.Mức độ hỗ trợ xã hội đa chiều mà người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ cảm nhận được còn chưa cao, người chăm sóc còn thiếu kiến thức về sa sút trí tuệ. Do đó, cần tiến hành đánh giá hỗ trợ xã hội đa chiều, kiến thức về sa sút trí tuệ trên đối tượng là người chăm sóc để có thể có phương pháp hỗ trợ kịp thời, giúp nâng cao kiến thức, kĩ năng chăm sóc, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc, điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống của cả người chăm sóc, người bệnh.