Bệnh nhân nữ, 35 tuổi nhập viện vì nôn ói và đau bụng. Lâm sàng ghi nhận hội chứng tắc ruột, bí tiểu cấp không do tắc nghẽn, bệnh đa dây thần kinh ngoại biên, biến dạng khớp kiểu cổ thiên nga và thiếu máu. Cận lâm sàng ghi nhận thiếu máu tán huyết, giảm bổ thể C3, C4
ANA, anti-Sm, anti-SSA60 và anti- SSA52 dương tính. CT scan bụng chậu có cản quang và nội soi đại tràng bằng ống mềm ghi nhận tình trạng liệt ruột không do tắc nghẽn cơ học, không tổn thương mạch máu và niêm mạc ruột, kèm với hình ảnh dãn đường mật trong và ngoài gan lan tỏa. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định là Lupus đỏ hệ thống có biến chứng liệt ruột, dãn đường mật lan tỏa, bí tiểu cấp do liệt cơ bàng quang, bệnh đa dây thần kinh ngoại biên, thiếu máu tán huyết miễn dịch. Bệnh nhân được điều trị với hydrochloroquine 200 mg/ngày phốihợp prednisone 0,3 - 0,5 mg/kg/ngày. Sau điều trị ba ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần và không tái phát cho đến nay. Bàn luận Bệnh nhân được chẩn đoán lupus đỏ hệ thống do thỏa 4 tiêu chí của hội thấp khớp học Hoa Kỳ. Lupus đỏ hệ thống gây liệt ruột có thể do tổn thương cơ trơn, thần kinh hoặc mạch máu ruột. Trường hợp này, tổn thương mạch máu được loại trừ bằng CT scan, kèm theo là liệt cơ bàng quang, dãn đường mật lan tỏa không tắc nghẽn, do đó chúng tôi nghĩ liệt ruột do tổn thương cơ trơn và/hoặc thần kinh ruột. Bệnh nhân này được đánh giá có hoạt tính bệnh thấp SLEDAI - 2000 đạt 4 điểm, nên chúng tôi quyết định khởi trị với hydroxychloroquine 200 mg/ngày và prednisone 0,3 - 0,5 mg/kg/ngày. Kết quả là bệnh nhân hồi phục, và không tái phát sau đó. Kết luận Giả tắc ruột là biến chứng hiếm gặp của lupus đỏ hệ thống, và là chẩn đoán loại trừ. Bệnh thường có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp.