Ngành Công nghiệp chế biến thủy hải sản đã và đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và của người nông dân nuôi trồng thủy hải sản nói riêng. Sự phát triển nhanh chóng của ngành cũng kéo theo những bất cập trong các lĩnh vực phụ trợ khác, trong đó có quản lý và xử lý nước thải sau chế biến. Đáng kể nhất là phế liệu và chất thải rắn, chất thải lỏng như đầu, xương, da, vây, vẩy, vỏ tôm... những phế liệu dễ lên men thối rữa và phân hủy, thành phần chính trong nước thải bao gồm các chất ô nhiễm COD, SS, N-NH3, TP, dầu mỡ . Một trong những chỉ tiêu gây ra nhiều tác hại với môi trường là chỉ tiêu dầu mỡ, đồng thời nó còn ảnh hưởng đến khả năng xử lý của hệ thống xử lý nước thải bằng vi sinh. Trong nghiên cứu này, sử dụng thí nghiệm Jartest để xác định pH, phèn tối ưu để khử ss, đồng thời chúng tôi cũng điều tra hiệu quả khử dầu mỡ với dãy nồng độ khác nhau của phèn AL2(SO4)3 10%. Kết quả cho thấy, phèn AL2(SO4)3 10% có khử được dầu mỡ trong nước thải thủy sản và đạt hiệu quả khử cao nhất là 62% tại nồng độ phèn 270mg/L.