Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được định nghĩa là sự thay đổi các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở vượt quá dao động hàng ngày ở bệnh nhân, tình trạng hô hấp của bệnh nhân xấu đi cấp tính và đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị hàng ngày của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mục tiêu Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ C-reactive Protein huyết tương với đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở đợt cấp bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiễm khuẩn tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 33 người bệnh được chẩn đoán đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiễm khuẩn (nhóm bệnh), 34 người bệnh được chẩn đoán đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nhiễm khuẩn (nhóm chứng) điều trị tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Kết quả Nồng độ CRP ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng có giá trị trung vị cao hơn so với giá trị trung vị khi không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (ho, khó thở, đau ngực, sốt) với p <
0,05. Có sự tương quan giữa nồng độ CRP với số lượng bạch cầu trên bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nhiễm khuẩn với r = 0,403, p = 0,02. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa CRP với chỉ số hóa sinh Ure, Creatinin, AST, ALT, Glucose (p >
0,05). CRP trung vị ở nhóm cấy đờm dương tính là 74,17 mg/L (19,12 - 132,22) cao hơn nhóm cấy đờm âm tính là 11,24 mg/L (11,74 - 43,33) với mức ý nghĩa thống kê p = 0,018. Kết luận Nồng độ CRP có mối liên quan đến các triệu chứng lâm sàng ho, khó thở, đau ngực, sốt với ý nghĩa thống kê <
0,05 và với số lượng bạch cầu có p = 0,02. CRP trung vị ở nhóm cấy đờm dương tính cao hơn nhóm cấy đờm âm tính với p <
0,05.