Trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước đảm nhận tư cách đại diện chủ sở hữu, quyền sử dụng đất chỉ có thể được tạo ra bằng các hành vi chủ động được thực hiện nhân danh Nhà nước mà luật gọi là giao đất và cho thuê đất. Một khi được tạo ra hợp lệ, quyền sử dụng đất trở thành tài sản tư và trên nguyên tắc, chịu sự chi phối của luật dân sự trong quá trình tham gia giao dịch dân sự. Lâu nay, người soạn thảo Luật Đất đai thực hiện việc xác định nội dung quyền sử dụng đất theo chủ trương người sử dụng đất chỉ có quyền làm những gì pháp luật cho phép. Trong Luật Đất đai đầu tiên được ban hành năm 1987, quyền sử dụng đất không có giá trị tài sản và không thể được chuyển nhượng. Theo thời gian, người làm luật dần dần trao cho người sử dụng đất các quyền cho phép khai thác giá trị kinh tế của đất, bao gồm quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Được coi là một tài sản từ khi có Luật Đất đai năm 1993, quyền sử dụng đất được định dạng theo Luật Đất đai và người sử dụng đất chỉ thực hiện các quyền được Luật Đất đai thừa nhận. Cần định vị Luật Đất đai một cách rõ ràng và hợp lý trong mối quan hệ với các luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở, trong việc kiến tạo khung pháp lý cho việc xác lập và thực hiện quyền sử dụng đất được hình dung như một bất động sản thuộc sở hữu tư nhân.