Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích phân lập và tuyển chọn được dòng vi khuẩn Bacillus subtilis có khả năng tổng hợp protease có hoạt tính đặc hiệu cao từ sản phẩm đậu nành lên men. Sử dụng phương pháp đo đường kính vòng thủy phân (halo) trên môi trường Skim milk agar (SMA) và lên men trong môi trường lỏng để đánh giá khả năng sinh protease. Từ các sản phẩm đậu nành lên men được thu tại các địa điểm khác nhau tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, phân lập được 48 dòng vi khuẩn, kết quả định danh sơ bộ dựa vào đặc điểm hình thái (tế bào và khuẩn lạc) và sinh hóa (nhuộm gram, khả năng sinh bào tử, khả năng sinh catalase và kiểm tra methyl red) cho thấy các dòng này thuộc giống Bacillus. Tất cả các dòng vi khuẩn đều có khả năng phân giải trên môi trường SMA, trong đó có 5 dòng tạo thành vòng halo lớn hơn các dòng còn lại. Dòng vi khuẩn TV3 được xác định là dòng vi khuẩn có khả năng sinh protease cao nhất ở môi trường lên men trong 48 giờ, nhiệt độ 37°C và pH 7,2 vói hoạt tính protease được xác định là 48,73 U/mL và hoạt tính đặc hiệu đạt 178,44 U/mg. Định danh dòng vi khuẩn TV3 bằng phương pháp giải trình tự vùng 16S rRNA theo phương pháp Sanger và so sánh với cơ sở dữ liệu của phần mềm BLAST, kết quả xác định dòng TV3 thuộc loài Bacillus subtilis có độ tương đồng 99,93% với trình tự 16S rRNAcủa Bacillus subtilis (NR027552.1).