Ức chế α- glucosidase là một trong những nhóm thuốc kiểm soát tốt đường huyết sau ăn trên bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Bên cạnh đó điều trị bệnh ĐTĐ bằng thảo dược đang ngày càng phổ biến, theo đó thúc đẩy các nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết từ thảo dược và các bài thuốc Y học cổ truyền (YHCT). Qua khảo sát trên lâm sàng về các thể YHCT của các bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ type 2, chỉ ra rằng tỉ lệ thể Âm hư chiếm đa số. Theo quan niệm điều trị YHCT, đối với thể bệnh Âm hư nên lấy phép trị chính là Dưỡng âm sinh tân làm chính. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm sàng lọc khả năng ức chế enzym α-glucosidase trên một số bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng dưỡng âm sinh tân được sử dụng trên lâm sàng.Cao chiết nước của 10 bài thuốc có công dụng dưỡng âm sinh tân được thử nghiệm qua mô hình ức chế enzym α-glucosidase in vitro.Sự khác biệt về khả năng ức chế enzym α-glucosidase của 10 cao này ở nồng độ 100 μg/ml và 500 μg/ml có ý nghĩa thống kê. Tại nồng độ 100 μg/ml, M5, M6, M8, M9 có khảnăng ức chế α-glucosidase, M1, M2, M3, M4, M7, M10 gần như không cho khả năng ức chế. Tại nồng độ 500 μg/ml, M1, M2, M5, M6, M8, M9 có khả năng ức chế α-glucosidase, M3, M4, M7, M10 thể hiện khả năng ức chế ở mức rất yếu ở nồng độ này.Khả năng ức chế α-glucosidase của 10 bài thuốc y cổ truyền được xếp vào các nhóm. Tại nồng độ 100 μg/ml Nhóm trung bình (M9), Nhóm yếu (M5, M6, M8), Nhóm rất yếu và không ức chế (M1, M2, M3, M4, M7, M10). Tại nồng độ 500 μg/ml Nhóm khá (M9), nhóm trung bình (M5, M6), nhóm yếu (M1, M2, M8), Nhóm rất yếu và không ức chế (M3, M4, M7, M10). Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu để mở rộng nghiên cứu trên chuột và lâm sàng.