Đánh giá sự tự cảm nhận của người nhiễm HIV/AIDS về các vấn đề răng miệng, nhu cầu chăm sóc răng miệng và thói quen khám răng miệng tại thành phố Hồ Chí Minh.Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 1000 người nhiễm HIV /AIDS từ đủ 18 tuổi trở lên đang được tư vấn và điều trị bởi phòng khám Nhà Mình (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2021. Khảo sát được thực hiện trực tuyến bằng bộ câu hỏi tự điền thông qua nền tảng Google Form. Nội dung bộ câu hỏi được xây dựng dựa trên bảng câu hỏi tiêu chuẩn của WHO 2013, bao gồm tuổi, giới, nghề nghiệp, học vấn, tình trạng hôn nhân, các vấn đề răng miệng tự cảm nhận phổ biến, các nhu cầu chăm sóc răng miệng tự đánh giá phổ biến, thói quen khám răng miệng trước và sau khi nhiễm HIV.Ba vấn đề răng miệng tự cảm nhận chiếm tỉ lệ cao nhất gồm khô miệng (46,3%), nhạy cảm với nóng, lạnh (42,9%) và hơi thở hôivà có mùi khó chịu (34,2%). Ba nhu cầu chăm sóc răng miệng tự đánh giá chiếm tỉ lệ cao nhất gồm lấy cao răng và điều trị viêm nướu (35,1%), trám răng sâu/răng mòn (34,1%) và nhổ răng (24,5%). Trong đó, có 43,8% đối tượng nghiên cứu tự cho là đã gặp phải tối thiểu 3 vấn đề răng miệng trở lên và 37,0% có tối thiểu 3 nhu cầu chăm sóc răng miệng trở lên. 38,0% cá thể nghiên cứu không bao giờ thăm khám nha khoa sau khi dương tính với xét nghiệm HIV. 9,8% đối tượng nghiên cứu không còn sử dụng các dịch vụ nha khoa.Người nhiễm HIV/AIDS tại thành phố Hồ Chí Minh tự cảm nhận bản thân có nhiều vấn đề răng miệng và có nhu cầu chăm sóc răng miệng cao nhưng gần như không có thói quen đi khám và điều trị răng miệng định kỳ.