Vườn anh đào của Anton Pavlovich Chekhov là một vở kịch kinh điển, đánh dấu bước chuyển của kịch Nga nói riêng và kịch thế giới nói chung sang một bước tiến mới kịch tâm lí, làm mờ nhòe tính cách điển hình và dần xóa bỏ kịch tính. Không chỉ được đánh giá cao ở những cách tân ấy, vở kịch đã đặt ra những vấn đề sâu sắc phản ánh thực trạng chính trị xã hội Nga đương thời mà ít nhà văn dám viết và dám phản ánh như Chekhov. Bài viết không đi vào khám phá những vấn đề đã được định hình ấy, mà đọc lại tác phẩm từ một lý thuyết nghiên cứu phê bình văn học hiện đại, phê bình sinh thái. Cụ thể, bài viết định danh kiểu sinh thái trong tác phẩm thông qua hình ảnh vườn anh đào, đồng thời, cũng qua việc phân tích hành động kịch chặt vườn anh đào, chi ra tầm nhìn xa của Chekhov khi đặt ra một vấn đề sinh thái mà nhân loại đang hết sức quan tâm, vấn đề được nhà nghiên cứu Karen Thornber gọi tên "sự nhập nhằng sinh thái" (ecoambiguity).