Bài báo tìm hiểu kiến thức đánh giá ngôn ngữ và một số công cụ thường dùng trong thực hành đánh giá ngôn ngữ của 20 giảng viên Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Tây Nguyên, trong đó có 17 giảng viên giảng dạy tiếng Anh và 03 giảng viên giảng dạy tiếng Pháp. Đa số các giảng viên tham gia khảo sát có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy từ 10 năm trở lên. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, các số liệu thu được từ bảng hỏi cho thấy đa số giảng viên khẳng định có kiến thức thuộc cả ba nhóm kiến thức được đề xuất bởi Giraldo (2018) gồm Kiến thức về Ngôn ngữ ứng dụng, Kiến thức về lý luận và các khái niệm, Kiến thức về ngữ cảnh đánh giá. Trong ba nhóm kiến thức này, ý kiến của giảng viên phân hóa rõ rệt nhất khi được hỏi về kiến thức thuộc nhóm kiến thức về lý luận và các khái niệm với tỉ lệ giảng viên cảm thấy phân vân nhiều hơn hẳn so với hai nhóm còn lại. Đây cũng là nhóm kiến thức duy nhất có giảng viên thừa nhận không có kiến thức về diễn giải độ tin cậy và ý nghĩa của nó trong đánh giá ngôn ngữ. Kết quả khảo sát cũng cho biết công cụ đánh giá được giảng viên sử dụng nhiều nhất là Quan sát người học trong khi công cụ được ít sử dụng nhất là Ghi chép giai thoại. Nghiên cứu đề xuất rằng cần có nhiều khóa tập huấn bồi dưỡng và hội thảo sinh hoạt chuyên môn để giảng viên tăng cường kiến thức của mình về đánh giá ngôn ngữ. Ngoài ra, giảng viên cũng cần linh hoạt trong việc sử dụng đa dạng các công cụ đánh giá vì mỗi công cụ đều có những ưu điểm nhất định trong thực hành đánh giá ngôn ngữ.