Xạ đen (Ehretia asperula) là một vị thuốc quý từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền, ngày nay nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy Xạ đen chứa nhiều hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học quan trọng. Nuôi cấy huyền phù là phương pháp hiệu quả để sản xuất sinh khối và thu nhận các hợp chất thứ cấp. Trong nghiên cứu này, vai trò của NAA, môi trường khoáng và nguồn carbohydrate trong quá trinh sinh trưởng của tế bào huyền phù cũng đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy mẫu tTCL thân non cảm ứng tạo mô sẹo xốp bở trong môi trường có bổ sung 2,4 D, thích hợp làm nguyên liệu cho nuôi cấy tế bào huyền phù. Mô sẹo này được nuôi cấy vào môi trường MS lỏng bổ sung NAA (0,5 - 2,0 mg/L) trong điều kiện lỏng lắc, sau 15 ngày nuôi cấy huyền phù tăng sinh tốt nhất trong môi trường MS bổ sung 1,5 mg/L NAA. Bên cạnh đó các loại môi trường cũng như nguồn carbohydrate khác nhau cũng được khảo sát để xác định được loại môi trường tốt nhất cho sự sinh trưởng của tế bào huyền phù Xạ đen. Sau 15 ngày nuôi cấy kết quả cho thấy môi trường B5 bổ sung 30 g/L sucrose là môi trường thích họp nhất cho việc nuôi cấy tế bào huyền phù cây Xạ đen. Từ các kết quả trên, môi trường B5 bổ sung 1,5 mg/L NAA, 30 g/L sucrose được xem là môi trường tối ưu cho nuôi cấy tế bào huyền phù Xạ đen (BM). Sinh khối tế bào thu nhận trên môi trường BM được xác định có chứa các hợp chất thứ cấp, hàm lượng các chất thứ cấp này cũng thay đổi theo thời gian nuôi cấy. Kết quả ghi nhận tại điểm cực đại của đường cong tăng trưởng cho thấy hàm lượng phenolic đạt 47,74 mg GAE/g DW và hàm lượng rosmarinic acid (RA) đạt 43,61 mg/gDW.