Đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I (T1-T2aN0M0) không có chỉ định phẫu thuật bằng SBRT. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu tiến cứu, theo dõi dọc 32 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn T1-T2aN0M0, u phổi ngoại vi, được SBRT, theo dõi và đánh giá từ tháng 01/2015 đến tháng 11/2021. Tiêu chuẩn chính là thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS). Tiêu chuẩn phụ là thời gian sống thêm toàn bộ (OS), tỷ lệ sống còn tại các thời điểm 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm và tác dụng không mong muốn. Kết quả Trung vị độ tuổi là 67 tuổi, trung vị kích thước khối u là 2,65cm, giá trị SUVmax trung bình 7,95, giai đoạn của khối u chủ yếu là T2a (43,7%). Trung vị PFS 29 tháng, tỷ lệ PFS 2 năm và 3 năm lần lượt là 59,8% và 42,3%, trung vị OS 59 tháng, tỷ lệ OS tại thời điểm 1 năm là 96,8%, 2 năm 88,6%, 3 năm 84,2%, 4 và 5 năm lần lượt là 63,1% và 42,1%. BN đạt kiểm soát bệnh theo tiêu chuẩn PERCIST 1.0 giảm nguy cơ tử vong với HR = 0,053 (CI 95% 0,003-0,86), p=0,039. Trung vị PFS ở nhóm SUVmax <
5 dài hơn so với nhóm có SUVmax ≥ 5, p=0,032. Cyfra 21-1 trước và sau SBRT, kích thước khối u là những yếu tố tiên lượng thời gian sống thêm. Tác dụng không mong muốn hay gặp là viêm phổi do xạ với 10 BN, chủ yếu độ 1, độ 2, không có viêm phổi do xạ độ 4, 5, có 1 trường hợp gãy xương sườn do xạ. Không có sự thay đổi chức năng hô hấp của BN sau SBRT. Kết luận SBRT là một phương pháp điều trị triệt căn hiệu quả cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn sớm không phẫu thuật được với u phổi ngoại vi. Giá trị SUVmax trước điều trị, tỷ lệ kiểm soát bệnh tại thời điểm 3 tháng sau SBRT theo tiêu chuẩn PERCIST 1.0 và Cyfra 21-1 trước và sau điều trị là những yếu tố tiên lượng thời gian sống thêm của bệnh nhân. Đồng thời, SBRT là một phương pháp an toàn.