Nghiên cứu này nhằm đánh giá tình hình bệnh PED và khả năng tạo kháng thể sau khi sử dụng phương pháp "gut feedback" ở đàn lợn tại tỉnh Thanh Hoá. Một cuộc điều tra được tiến hành trên 16.443 con lợn nuôi tại các trại ở 6 huyện của tỉnh bằng phiếu theo dõi kết hợp với sử dụng Test kit PED Ag và phương pháp RT-PCR. Sử dụng phương pháp test ELISA để xác định kháng thể của phương pháp "gut feedback" ở 60 lợn nái chửa ở tuần thứ 13. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc PED ở lợn tại Thanh Hoá là 14,56% và tỷ lệ tử vong là 53,38%. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là đàn lợn thuộc huyện Tĩnh Gia (16,12%), đàn lợn thuộc huyện Yên Định có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất (12,08%). Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao nhất ở nhóm lợn con theo mẹ (22,01% và 72,63%) và thấp nhất ở nhóm lợn đực giống (5,81% và 0%). Lợn mắc bệnh và tử vong cao nhất ở mùa Đông và thấp nhất ở mùa Hè. Các trại lớn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (15,79%) nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp nhất (50,75%). Sau khi sử dụng phương pháp "gut feedback" 100% mẫu kháng thể có OD từ 0,05 đến 1,04. Ở thời điểm 14 ngày có 78,33% mẫu và ở 21 ngày có 80,00% mẫu có OD ≥ Cut off Dương tính, với Cut off có giá trị = 0,21.