Việc xây dựng nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý cho sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La dưới các hình thức Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị của các nông sản đặc sản, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Một số sản phẩm tiêu biểu đã có nhiều đổi mới trong tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sau khi được bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng như Chỉ dẫn địa lý xoài Yên Châu, Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Mộc Châu,... Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc xây dựng thương hiệu cộng đồng của tinh Sơn La còn nhiều khó khăn, hạn chế, từ chính sách, thể chế đến các hoạt động tổ chức quản lý, khai thác giá trị của thương hiệu trên thị trường. Thương hiệu cộng đồng chưa thực sự phát huy được hết giá trị so với tiềm năng, mong đợi trên thị trường. Vì vậy, rất cần những giải pháp, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy, nâng cao giá trị, hiệu quả của hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng của tỉnh Sơn La trong thời gian tới.