Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân mất gấp khuỷu được phẫu thuật chuyển gân theo phương pháp Steindler. Đối tượng và phương pháp Gồm 90 BN điều trị phục hồi gấp khuỷu bằng phẫu thuật chuyển gân theo phương pháp Steindler tại Viện Chấn thương - Chỉnh hình Quân đội, Bệnh viện TƯQĐ 108, tất cả các bệnh nhân có đầy đủ hồ sơ nghiên cứu. Đánh giá đặc điểm chung của bệnh nhân về tuổi, giới, nguyên nhân và cơ chế tổn thương, đặc điểm tổn thương thần kinh vận động, sức cơ gấp khuỷu trước phẫu thuật. Kết quả Tuổi trung bình của các bệnh nhân nghiên cứu là 31,3 ± 11,4 tuổi, tổn thương mất gấp khuỷu chủ yếu xẩy ra ở nam giới. Nguyên nhân gây mất gấp khớp khuỷu hay gặp nhất là do tổn thương TK vận động làm mất chức năng cơ nhị đầu và cánh tay trước do tai nạn giao thông (84,4%), cơ chế chính của tổn thương là do chấn thương gây căng dãn (94,4%). Tổn thương chủ yếu xảy ra bên trái (55,6%), tổn thương thần kinh được phát hiện bằng phương pháp khám lâm sàng đơn thuần là chính (90%), tổn thương chính là tổn thương loại II (70,0%). Trước khi được phẫu thuật sức cơ gấp khuỷu của nhóm bệnh nhân nghiên cứu chủ yếu là sức cơ M0 (87,7%).