Năm 1986 đã đánh dấu một sự thay đổi lớn về vận hành nền kinh tế của Việt Nam, kéo theo những chuyển biến trong quan điểm về kiến trúc nhà ở từ loại hình phúc lợi xã hội do chính quyền cung ứng hoặc người dân tự thực hiện cho mình chuyển sang một loại hàng hóa thị trường đặc biệt, có lợi nhuận cao được sản xuất theo quy luật cung-cầu của thời kỳ Đổi mới. Chính vì vậy, kiến trúc nhà ở tại Hà Nội sau chính sách Đổi mới trở nên "năng động" hơn, và việc thực hành kiến trúc nhà ở tại các đô thị luôn được cập nhật theo các nhu cầu và quan điểm của xã hội lẫn thị trường, tạo nên những cách thức thiết kế và xây dựng đa dạng và "mới mẻ" so với thời kỳ trước Đổi mới. Các xu hướng và trào lưu mới trong thực hành kiến trúc nhà ở đô thị như dự án hóa, sang trọng hóa, đóng cửa hóa, sinh thái hóa, ..., một mặt, đã làm cho kiến trúc nhà ở tại Việt Nam tiệm cận với những trào lưu của thế giới, cải thiện về chất lượng không gian, thẩm mỹ, hiệu quả hơn về mặt quản lý. Tuy nhiên, mặt khác, những chuyển đổi này cũng gây ra nhiều hệ lụy cần phải xem xét, phân tích để tiến đến những cách thức thực hành kiến trúc nhà ở bền vững, đáp ứng những nhu cầu mới của một xã hội, một đất nước phát triển.