Nghiên cứu được thực hiện dựa trên số liệu khảo sát nông hộ trồng hồ tiêu Phú Quốc từ tháng 10/2020 đến 2/2021, với việc áp dụng phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên - SFA (Stochastic Frontier Analysis) để đánh giá hiệu quả kỹ thuật TE (Technical Efficiency) của nông hộ trồng hồ tiêu tại Phú Quốc. Kết quả phân tích đã chỉ ra rằng chỉ số TE biến động từ 0,14 - 0,91, bình quân đạt 0,64 (64%) với độ biến thiên là 24,4%. Trong đó, có 15,2% số hộ đạt TE thấp, 58,6% số hộ có TE trung bình và TE đạt cao chỉ có 26,3% số hộ. Như vậy, hiệu quả kỹ thuật áp dụng trong sản xuất hồ tiêu ở Phú Quốc phần lớn từ trung bình đến thấp (khoảng 74% số hộ). Do vậy, để nâng cao hiệu quả kỹ thuật áp dụng trong canh tác hồ tiêu Phú Quốc, ngoài việc áp dụng kỹ thuật canh tác hiện hữu, địa phương cần tổ chức các buổi tọa đàm hay hội thảo đầu bờ để nông dân chia sẻ kinh nghiệm với nhau, khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng hoai, phân hữu cơ vi sinh/hữu cơ khoáng và chế phẩm sinh học). Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông hộ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng sản xuất hồ tiêu nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông hộ trồng hồ tiêu tại Phú Quốc.