Vi nhựa đã và đang là vấn đề được chú ý trong giới khoa học nhưng các nghiên cứu về sự tồn tại của chúng trong các thủy vực nhỏ vẫn còn rất ít. Các thủy vực nhỏ là vùng sinh sống và phát triển của nhiều loài động vật, bao gồm cả động vật lưỡng cư, có nguy cơ ăn phải vi nhựa qua quá trình tiêu thụ thức ăn. Nghiên cứu này ghi nhận sự hiện diện của các vi nhựa trong ống tiêu hóa nòng nọc của các loài Cóc nhà (Duttaphrynus melanostictus), Ngóe (Fejervarya limnocharis), Ếch cây đầu to (Polypedates megacephalus) và Nhái bầu Hây-mon (Microyla heymonsi) từ các thủy vực nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kết quả ghi nhận tần suất xuất hiện vi nhựa trong cơ quan phân tích là 78%. Vi nhựa được phát hiện nhiều nhất trong cơ quan nòng nọc của Ếch cây đầu to (4,2 ± 2,0 vi nhựa/cá thể) và thấp nhất là trong ống tiêu hóa nòng nọc Nhái bầu Hây-mon (1,2 ± 1,3 vi nhựa/cá thể). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có 3 hình dạng và 8 màu sắc của vi nhựa. Những phát hiện trong khảo sát này cung cấp những bằng chứng và thông tin về sự tồn tại vi nhựa trong cơ thể của các loài lưỡng cư tại Việt Nam.