Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng và một số yếu tố liên quan đến kết quả thở áp lực dương liên tục qua mũi. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 105 trẻ sơ sinh non tháng có suy hô hấp được điều trị bằng thở áp lực dương liên tục qua mũi tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 06/2020 đến tháng 06/2021. Kết quả cho thấy Tỷ lệ điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng bằng thở áp lực dương liên tục qua mũi thành công là 90,5%. Trong quá trình thở NCPAP có sự thay đổi về áp lực, FiO2 và SpO2, mức áp lực cài đặt ban đầu ≥ 6 cm H2O chiếm 46,7% bệnh nhân giảm xuống còn 6,2%, FiO2 giảm dần từ 52,79 ± 9,66% xuống 43,27 ± 3,74%, đồng thời SpO2 tăng từ 84,99 ± 4,24% lên 98,22 ± 0,9%. Một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị là cân nặng lúc sinh, tuổi thai, mức độ suy hô hấp, cơn ngừng thở và hạ thân nhiệt. Thở áp lực dương liên tục qua mũi là một phương pháp hiệu quả trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, đơn giản, không xâm lấn, ít biến chứng.