Nghiên cứu được thực hiện trên hai kiểu rừng phục hồi sau nương rẫy là kiểu rừng ít tre, nứa và kiểu rừng tre, nứa tại Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông, số liệu thu thập từ 37 ô tiêu chuẩn điển hình với diện tích 2.500 m2/ô (50 m X 50 m), trong đó 33 ô được thiết lập ở rừng sau nương rẫy đại diện các kiểu rừng và thời gian phục hồi, 4 ô được thiết lập ở rừng ổn định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phân bố số cây theo cấp kính 2 giai đoạn phục hồi đầu là 5 - 9 năm và 10 -14 năm tuân theo quy luật dạng giảm theo hàm Meyer, giai đoạn 15 - 20 năm có dạng một đỉnh lệch trái, số cây tập trung nhiều nhất ở cỡ kính thấp đối với cả 2 kiểu rừng. Mạng hình phân bố cây rừng trên mặt bằng có quy luật phân bố cách đều với cả 3 giai đoạn phục hồi trên hai kiểu rừng, cấu trúc tầng thứ và độ tàn che tăng dần theo giai đoạn phục hồi, cấu trúc tăng từ 1 đến 3 tầng, độ tàn che biến động từ 0,31 đến 0,54 tương ứng với các giai đoạn phục hồi là 5 - 9 năm, 10 -14 và 15 - 20 năm. Thời gian phục hồi đạt đến trạng thái rừng ổn định đối với kiểu rừng ít tre, nứa được dự đoán khoảng 41 đến 46 năm, thấp hơn so với kiểu rừng tre, nứa, khoảng 55 đến 58 năm.