Hiện nay, ô nhiễm chất thải rắn là gánh nặng lớn đối với sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, các huyện ven đô tại các thành phố lớn đều có mức độ đô thị hóa cao và lượng chất thải rắn gia tăng nhanh chóng. Với nghiên cứu trường hợp ô nhiễm chất thải rắn ở huyện Hoài Đức (giai đoạn 2016-2020), bài viết đặt ra 5 giả thuyết nghiên cứu bao gồm các yếu tố ảnh hưởng tới gia tăng chất thải rắn công nghiệp hóa (dựa trên thay đổi diện tích đất công nghiệp), gia tăng dân số, đô thị hóa (biểu hiện qua thay đổi diện tích đất đô thị), chính sách kinh tế - xã hội và trình độ văn hóa, nhận thức của người dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố gia tăng dân số do bị thu hút bởi đô thị hóa là nguyên nhân chính tạo ra lượng chất thải rắn lớn hàng ngày. Yếu tố công nghiệp hóa chỉ mang tính thu hút gián tiếp đối với vấn đề này. Do vậy, các giải pháp cần tập trung vào tăng cường chính sách quản lý tốc độ đô thị hóa nhằm đảm bảo phát triển môi trường bền vững song song với phát triển kinh tế.