Nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh như một ngôn ngữ thiết yếu trong giao tiếp toàn cầu hóa, Việt Nam đã đưa ngôn ngữ này trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp ba. Do đó, việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em dần trở thành vấn đề thu hút được sự quan tâm của các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, đối tượng trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỉ, hai dạng rối loạn tâm thần thường gặp nhất ở trẻ em, lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Vì những lý do đó, nghiên cứu trường hợp điển hình theo đường hướng tiếp cận hỗn hợp này được thực hiện nhằm khảo sát những khó khăn mà giáo viên tiếng Anh tiểu học gặp phải, cũng như những giải pháp khắc phục mà họ đã sử dụng để quản lý một lớp học có những học sinh mắc chứng rối loạn nói trên trong mô hình hòa nhập. Sau khi điều tra và thu được 109 phiếu trả lời từ 20 thành phố thuộc ba miền trên cả nước, nghiên cứu tiếp tục phỏng vấn sâu với giáo viên kết hợp với quan sát lớp học để rút ra kết luận. Kết quả nghiên cứu cho thấy giáo viên gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự bất đồng trong giao tiếp với phụ huynh trẻ rối loạn. Ngoài ra, giáo viên có thể xây dựng những kỹ thuật dạy học thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt cao để quản lý lớp học, dù vẫn còn sự xuất hiện của một vài hành vi chưa chuyên nghiệp xuất phát từ việc giáo viên hiếm khi được đào tạp về giáo dục đặc biệt. Nhờ đó, bài báo này có thể là một nguồn tham khảo có giá trị dành cho những giáo viên và nhà nghiên cứu làm việc với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỉ tại Việt Nam.